Bác Hồ với quê hương Nghệ An
Lúc sinh thời, mặc dù bận trăm công, nghìn việc, nhưng từ trong sâu thẳm trái tim mình, Bác Hồ vẫn dành tình cảm sâu nặng đối với tỉnh nhà Nghệ An.
Trong suốt cuộc hành trình tìm đường cứu nước cho đến khi nước nhà được độc lập, rồi đến tận những năm cuối đời, Bác Hồ kính yêu chỉ sắp xếp được 2 lần về thăm quê hương. Thế nhưng đến hôm nay, trong lòng người dân xứ Nghệ vẫn còn vẹn nguyên kỉ niệm về những mẩu chuyện nhỏ mà sáng ngời đạo đức của Bác – một nhân cách lớn song lại vô cùng giản dị, gần gũi.
Ngày 14/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê hương lần thứ nhất. Người xúc động nói: “Quê hương nghĩa trọng tình cao/Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”. Nghe tin Bác về thăm quê, không riêng dân làng Sen quê nội, Hoàng Trù quê ngoại mà nhân dân huyện Nam Đàn nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung đều náo nức mong chờ.
Bác Hồ về thăm lại ngôi nhà xưa ở làng Kim Liên |
Gặp lại đồng bào quê hương, nét mặt Bác rất xúc động, Người bắt tay, vẫy chào bà con. Vẫn giữ cho mình giọng Nghệ nằng nặng, trầm ấm, vang vọng, Bác trải lòng với nhân dân quê nhà: “Người ta về thăm quê thì mừng mừng tủi tủi. Tôi về thăm quê thì chỉ thấy mừng mừng!”, “Là vì: bây giờ nước ta được độc lập tự do, nhân dân được sống cuộc sống hạnh phúc, ai cũng có cơm ăn áo mặc, các cháu được học hành”.
Về thăm quê, Người không quên lối đi nhỏ vào nhà ngày xưa, cây bưởi trước nhà, cây mít, hàng cau phía sau, chiếc võng tuổi thơ, chiếc rương gỗ nhỏ, khung cửi của mẹ, chiếc phản gỗ và mấy pho sách của cha, những câu chuyện kể của bà…
Trong ngôi nhà xưa ở làng Kim Liên, Bác Hồ xúc động bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm ngày còn thơ ấu. |
Ở những nơi Bác đến thăm, Bác khen ngợi những thành tích mà nhân dân quê nhà đã đạt được và nhắc nhở đồng bào và cán bộ phải ra sức phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp, các ngành nghề khác.
Nói chuyện với Hội nghị cán bộ toàn tỉnh Nghệ An, Người lưu ý, tỉnh nhà phải “cần, kiệm, liêm, chính”, thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm; phải đoàn kết chặt chẽ hơn nữa. Người nêu rõ: Tiền đồ của mỗi người, nhất là người cách mạng, là nằm trong tiền đồ của dân tộc, nằm trong tiền đồ của giai cấp, không thể tách riêng được. Nhiệm vụ chúng ta phải ra sức củng cố chính quyền nhân dân và củng cố những tổ chức của nhân dân ở các địa phương và quan tâm đến đời sống của nhân dân.
Người dân Nghệ An đứng hai bên đường vẫy chào đón Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2 năm ngày 9/12/1961. |
Người mong muốn Nghệ An chuyển biến tốt về mọi mặt, nhất là chính trị và kinh tế. Người khẳng định: “Tỉnh Nghệ An có truyền thống cách mạng. Vậy các cô, các chú có quyết tâm làm cho tỉnh Nghệ An thành một tỉnh gương mẫu không? Quyết tâm không? Làm được không? – Được! Rất tốt. Cuối cùng Bác nhờ các cô các chú về địa phương chuyển lời Bác hỏi thăm đảng viên, cán bộ và đồng bào địa phương”.
Bốn năm sau, ngày 8/12/1961, Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai. Đây là chuyến thăm mà Người đã hứa với Đảng bộ và nhân dân quê nhà trong chuyến thăm lần thứ nhất là: Nếu Đảng bộ và nhân dân làm tốt khâu sản xuất và xây dựng Đảng thì Bác sẽ về thăm lần nữa.
Buổi chiều, sau khi làm việc với Ban Chấp hành Tỉnh uỷ, Bác đến thăm nhà ăn tập thể của cơ quan. Bác nâng từng chiếc lồng bàn lên để thấy lượng và chất của mỗi khẩu phần. Sau đó các đồng chí lãnh đạo tỉnh mời Bác ăn cơm tối, Bác nhận lời. Bữa cơm thết Bác cũng chỉ có mấy món đơn giản. Khi mọi người đã ngồi vào bàn ăn, Bác bảo một cán bộ đi cùng mang gói cơm độn ngô đỏ ra. Cơm gói của Bác được chia đều cho mọi người cùng ăn vui vẻ, ngon lành.
Tấm lòng của Bác đối với Nghệ An thật là sâu nặng. Trước đây, do bận công việc nước nhà, chưa về thăm quê được, nhưng Người luôn viết thư thăm hỏi động viên tỉnh nhà, xã nhà. Khi các đồng chí lãnh đạo tỉnh, cán bộ ở quê ra Hà Nội công tác, nếu có điều kiện Bác đều gặp gỡ, ân cần hỏi thăm về quê hương. 28 bức thư, các bài viết, bài nói chuyện hay những bức điện của Bác gửi về cho quê nhà Nghệ An đã nói lên tấm lòng của Người đối với quê hương.
Bác Hồ cùng các cháu thiếu nhi Làng Sen, xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An đi thăm quê nhà. |
Trong bức thư cuối cùng ngày 21/7/1969 gửi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhà Nghệ An, Bác đã căn dặn cán bộ, đảng viên cần khuyến khích nhân dân góp phần xây dựng Đảng, góp ý kiến về việc chọn người vào Đảng, tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, để mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân ngày càng thêm mật thiết. Nghệ An cần tăng cường khôi phục và phát triển kinh tế; hết sức chăm lo đời sống nhân dân.
Cuối thư, Người viết: Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Bác mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc.
Du khách về thăm quê Bác. |
Khắc ghi và thực hiện lời căn dặn của Người, ngày nay, Nghệ An đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế – xã hội. Đây cũng là một trong những địa phương tổ chức tốt và triển khai có hiệu quả thiết thực Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Những ngày tháng 5 này trên quê hương Bác đang sôi động những phong trào thi đua trong sản xuất, xây dựng, quốc phòng,an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng nông thôn mới… Đảng bộ và nhân dân Nghệ An coi đây là những hành động thiết thực chào mừng 127 năm ngày sinh của Bác, báo công với Bác những việc làm được của những cán bộ, đảng viên và nhân dân quê hương, hứa mãi mãi học tập và làm theo tấm gương của Người, mãi mãi xứng đáng là quê hương của Người, nơi mà Người đã có câu thơ xúc động trong lần về thăm quê thứ nhất sau 50 năm xa cách: “Quê hương nghĩa trọng tình cao/ Năm mươi năm ấy biết bao là tình!”
Thái Bình
(Tổng hợp)