Skip to main content
CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 99 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21/6/1925 - 21/6/2024)

Bác Hồ với “Quê hương nghĩa trọng tình cao”

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi động, phong phú, nhiều hy sinh, gian khổ của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có 2 lần về thăm quê hương. Toàn bộ tâm trí, sức lực và cả cuộc đời cao đẹp của Người, Người hiến dâng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Dẫu ở đâu, làm gì, trong hoàn cảnh nào, quê hương Nghệ An, quê hương Nam Đàn luôn tha thiết, canh cánh và đau đáu trong tim Bác.

 Với Hồ Chí Minh, "Quê hương nghĩa trọng tình cao" luôn canh cánh trong tim. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1930 đến trước lúc đi vào cõi vĩnh hằng, Bác Hồ có 9 bài báo, 31 bức thư, 10 bài nói chuyện, 3 bức điện, 2 lần về thăm, 1 lời đề tựa nói đến quê hương Nghệ An hoặc trực tiếp trò chuyện thân tình với nhân dân, cán bộ Nghệ An. Trong số đó, Bác dành cho quê hương Nam Đàn, quê hương Kim Liên 5 bức thư, 1 bức điện, 1 bài nói chuyện, 1 bài báo.

Ngày 17 tháng 2 năm 1949, Bác có thư gửi Đội lão quân huyện Nam Đàn ngay sau khi biết tin Đội lão quân vừa được thành lập. Trong thư, Bác đề nghị đội lão quân của huyện đôn đốc "ba điểm chính" là quân sự, kinh tế, văn hoá. Bác viết "Nói tóm lại: nhiệm vụ chính của Đội lão quân là làm cho phong trào thi đua ái quốc sôi nổi, rộng khắp, thiết thực, bền bỉ để làm cho giai đoạn cầm cự mau thắng lợi và để chuẩn bị đầy đủ cho cuộc tổng phản công".

Hai tháng sau khi gửi bức thư kể trên, tháng 4 năm 1949, Bác tự tay đánh máy bức thư gửi cho 2 ông Hoàng Phan Kính (là Cậu) và Trần Lê Hữu (là Dượng) của Bác. Mở đầu bức thư là những dòng cảm động, chân tình: "Tôi rất cảm ơn Cậu và Dượng đã gửi thư cho tôi, tôi chưa về được, không phải vì tôi vô tình với quê hương, nhưng vì lẽ này: trong lúc giặc Pháp đang giày xéo trên đất nước ta, thì phận sự của mỗi người dân Việt Nam là "vì nước quên nhà, vì công quên tư". Trong bức thư đó, cùng với những tình cảm họ tộc, gia đình đằm thắm, Bác nhắc nhiều đến trách nhiệm của mỗi người Việt Nam đối với Tổ quốc. Người đề nghị: "Tôi rất mong Cậu và Dượng cùng các cụ phụ lão, các vị thân hào, thân sỹ thường giúp đỡ tôi và Chính phủ bằng cách gửi những phê bình, sáng kiến và đề nghị. Tôi lại mong Cậu, Dượng cùng các cụ, các vị đôn đốc, giúp đỡ đồng bào địa phương xung phong thi đua ái quốc, làm cho Nam Đàn thành một huyện kiểu mẫu, Nghệ An thành một tỉnh kiểu mẫu trong mọi công việc kháng chiến và kiến quốc". Dưới thư, Người ký tên "Cháu Hồ Chí Minh".

 Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm ngôi nhà cũ ở quê nội tại làng Sen , xã Kim Liên,
huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (tháng 12-1961). (Ảnh: TTXVN)

Có một bức điện, giờ đã trở nên bất hủ, rưng rưng tình nhà, chứa chan nghĩa nước. Ấy là bức điện Bác gửi họ Nguyễn Sinh của Bác ngày 9 tháng 11 năm 1950 khi Bác nhận được tin Anh Cả Nguyễn Sinh Khiêm qua đời. Đó là những tháng ngày  Người đang cùng bộ tham mưu của mình dồn sức cho chiến dịch Biên giới: "Nghe tin Anh Cả mất, lòng tôi rất buồn rầu, vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc Anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc Anh tạ thế, tôi không thể lo liệu. Than ôi! Tôi chịu tội bất đễ trước linh hồn Anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước". Nội dung bức điện chỉ có 68 chữ, ý tứ, tình cảm, nỗi tiếc thương day dứt, lời cho người đã khuất, lời với người đang sống, tất cả thật hàm súc, không thể viết ngắn hơn, cũng không cần phải nhiều  lời hơn. Theo chúng tôi, đây cũng là một áng bi hùng văn, là một kiệt tác của Bác Hồ mà hình như chúng ta chưa quan tâm nghiên cứu đúng mức.

Với quê hương xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên), Bác Hồ có 2 lần về thăm, lần thứ nhất ngày 16 tháng 6 năm 1957, lần thứ hai ngày 9 tháng 12 năm 1961. Lần thăm quê thứ hai tại sân vận động xã Nam Liên, Bác nói chuyện với đồng bào, cán bộ của làng, của xã, của huyện. Đầu tiên, Bác khen ba điều tiến bộ của Nam Liên:

"1. Lần trước Bác về," đèn nhà ai rạng nhà nấy", niêu nhà ai nhà ấy dùng, làm ăn lẻ tẻ. Nay làng đã tổ chức hợp tác xã, đồng bào cùng nhau đoàn kết, luôn luôn giúp đỡ lẫn nhau. Đó là một thay đổi lớn.

2. Lần trước Bác về, chưa thấy có mấy trường này, mà nay đã có cho các cháu trong làng và các làng xung quanh đến học, thành một trung tâm nho nhỏ về văn hoá. Thế là văn hoá tiến bộ.

3. Sự có mặt của các chú bộ đội, dân quân tự vệ hàng ngũ chỉnh tề ở đây cũng chứng tỏ lực lượng quốc phòng của ta tiến bộ..."

Tiếp đó Bác căn dặn mấy điều: "phải củng cố hợp tác xã cho tốt", "phải lao động nhiều", phải thực hành "kỹ thuật cánh tác mới"; Bác cũng thẳng thắn phê  bình: "xã viên thiếu tinh thần làm chủ", "ban quản trị còn quan liêu". Bác yêu cầu làng, xã phải "xây dựng đời sống ngày càng no ấm lên, tức là xây dựng chủ nghĩa xã hội". Bác không quên lưu ý: "Bác nghe nói ở đây có một, hai gia đình xin ra ngoài hợp tác xã vì thiếu sức", "hiện nay cả xã Nam Liên vẫn còn 33 người mù chữ", "các cháu đau mắt hột nhiều, có đúng không?". Bác căn dặn cán bộ, đảng viên : "Xã ta có hơn 230 đảng viên, đoàn viên, phải gương mẫu trong mọi công việc, trong tăng gia sản xuất, trong học tập. Nên như thế, mà phải như thế. Nếu đảng viên không gương mẫu thì không xứng đáng là đảng viên. Đoàn viên cũng thế. Đảng viên, đoàn viên phải giúp đỡ đồng bào tiến bộ". Bác nhấn mạnh: "Làm đúng những điều Bác dặn, là làm cho Nam Liên thành một xã gương mẫu, tức là các cô, các chú đã góp phần vào công việc xây dựng đời sống mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội"... "Cuối cùng, Bác chúc các cụ, các cháu, các cô, các chú và toàn thể đồng bào luôn cố gắng và tiến bộ. Vì Bác đến đây, nên nói đến Nam Liên thôi. Nhưng các xã khác, cả huyện Nam Đàn cũng như thế."

Bác gửi về xã nhà 3 bức thư. Bức thứ nhất, ngày 19 tháng 12 năm 1958 Bác gửi: Kính gửi các cụ "phụ lão diệt dốt" khi biết tin xã nhà đã thanh toán nạn mù chữ và cảm ơn các cụ trong công tác bình dân học vụ. Một bức thư khác, ngày 13 tháng 2 năm 1962, Bác gửi cho đồng bào, cán bộ xã Nam Liên phúc đáp Thư chúc Tết của xã. Trong thư, Bác biểu dương mấy nỗ lực và tiến bộ của xã: "Trồng trọt vượt diện tích, bỏ được thói cấy chay"..."Đảng viên và đoàn viên thanh niên làm gương mẫu tăng thêm ngày công lao động và năng suất lao động". Bác "nêu mấy điểm để đồng bào và cán bộ chú ý", bao gồm: "đoàn kết yêu thương như người trong một nhà...Tư tưởng bảo thủ là những sợi dây cột chân, cột tay người ta, phải vứt nó đi. Muốn tiến bộ phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm".

Ngày 15 tháng 3 năm 1967, tức là hơn 1 năm trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, Bác gửi thư cho các cháu học sinh xã Nam Liên. Bức thư ngắn gọn mà tràn ngập tình cảm yêu thương của Bác: "Bác đã nhận được thư của các cháu, Bác rất vui mừng. Các cháu học sinh đã cố gắng thi đua học tập tốt, lao động tốt, góp phần xây dựng quê hương chống Mỹ, cứu nước. Bác hoan nghênh đồng bào, cấp uỷ Đảng, chính quyền, các thầy giáo, cô giáo xã Nam Liên đã chăm lo đến việc dạy và học và đảm bảo tốt phòng không an toàn cho các thầy giáo, cô giáo và các cháu. Bác hôn các cháu! Bác Hồ".

Có một xã ở Nam Đàn vinh dự, tự hào được Bác Hồ gọi là "Xã kiểu mẫu" trong bài viết cùng tên đăng trên Báo Nhân Dân ngày 21 tháng 6 năm 1955. Đó là xã Nam Thượng. Thông tin về xã vùng núi khó khăn nhất của huyện Nam Đàn đến với Bác khá đầy đủ và chi tiết. Bác viết: "Sau trận lụt tháng 9 năm 1954, xã ấy thiệt hại rất nặng. Tiếp đến nạn đói. Song nhờ cán bộ làm đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, khéo lãnh đạo nhân dân, kiên quyết tổ chức sản xuất tự cứu và khuyến khích nhân dân giúp đỡ lẫn nhau". Tiếp đó, Bác nêu các việc tốt ở Nam Thượng: sửa chữa nhà cho đồng bào, nhân dân giúp nhau 11 tấn lương thực, trồng được 100 mẫu ngô, hơn 3500 loại bầu bí, cấy được 115 mẫu chiêm và nhiều hoa màu, tổ chức canh tuần ban đêm, tổ chức đào mương, tát nước chống hạn, chống sâu, chống được giặc đói lại giúp được xã bạn 2 tấn ngô, khoai, đỗ và giúp họ tăng gia sản xuất. Bác kết luận: "Đó là xã kiểu mẫu mà các xã khác nên bắt chước". Bác ký tên dưới bài báo là C.B - một bút danh rất quen thuộc của Người.

Tỉnh Nghệ An - “quê hương nghĩa trọng tình cao” luôn canh cánh trong bữa ăn, giấc ngủ của Bác. Chỉ 15 ngày sau khi Bác đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Người có Thư riêng “gửi các đồng chí bản tỉnh” với lời căn dặn ân cần, lòng mong mỏi và nỗi nhớ thương tha thiết. Do bận trăm công nghìn việc của Đảng, của dân để kháng chiến, kiến quốc, Bác chỉ có hai lần ít ỏi và ngắn ngủi về thăm quê hương. Ngày 14/6/1957, Bác Hồ về thăm quê hương lần thứ nhất. Bên đồng chí và người thân, Người xúc động nói: “Quê hương nghĩa trọng tình cao/Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”. Người không quên lối đi nhỏ năm xưa, cây bưởi trĩu quả trước nhà, hàng cau, cây mít, bờ tre phía sau, hàng râm bụt thân thuộc, đặc biệt là chiếc võng tuổi thơ, chiếc rương gỗ nhỏ và khung cửi của mẹ, chiếc phản gỗ và mấy pho sách của cha. Bằng giọng Nghệ nằng nặng, trầm ấm, vang vọng, Bác xúc động nói: “Người ta về thăm quê thì mừng mừng tủi tủi. Tôi về thăm quê thì chỉ thấy mừng mừng!”…, “Là vì: bây giờ nước ta được độc lập tự do, nhân dân được sống cuộc sống hạnh phúc, ai cũng có cơm ăn áo mặc, các cháu được học hành”. Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ toàn tỉnh, Người lưu ý cán bộ, đảng viên phải “cần, kiệm, liêm, chính”, “mong muốn nhân dân tỉnh nhà thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm; phải đoàn kết chặt chẽ hơn nữa”. Người nêu rõ: Tiền đồ của mỗi người, nhất là người cách mạng, là nằm trong tiền đồ của dân tộc, nằm trong tiền đồ của giai cấp, không thể tách riêng được. Nhiệm vụ chúng ta phải ra sức củng cố chính quyền nhân dân và củng cố những tổ chức của nhân dân ở các địa phương và quan tâm đến đời sống của nhân dân. Người mong muốn “tỉnh nhà chuyển biến tốt hơn về mọi mặt, nhất là chính trị và kinh tế”. Người khẳng định: “Tỉnh Nghệ An có truyền thống cách mạng. Vậy các cô, các chú có quyết tâm làm cho tỉnh Nghệ An thành một tỉnh gương mẫu không? Quyết tâm không? Làm được không?” Cuối cùng, “Bác nhờ các cô các chú về địa phương chuyển lời Bác hỏi thăm đảng viên, cán bộ và đồng bào địa phương”.  Bốn năm sau, ngày 8/12/1961, Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng. Trong chuyến về quê, sau khi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bác đến thăm nhà ăn tập thể của cơ quan. Bác nâng từng chiếc lồng bàn lên để thấy lượng và chất của mỗi khẩu phần. Sau đó các đồng chí lãnh đạo tỉnh mời Bác ăn cơm tối, Bác nhận lời. Bữa cơm lãnh đạo tỉnh mời Bác cũng chỉ có mấy món đơn giản hằng nhật của Bác. Khi mọi người đã ngồi vào bàn ăn, Bác bảo một cán bộ đi cùng mang gói cơm độn ngô đỏ ra. Cơm gói của Bác được chia đều cho mọi người cùng ăn vui vẻ, ngon lành nhưng ý nghĩa thì thật sâu xa, xúc động. Cùng với hai chuyến về thăm quê ngắn ngủi, Bác còn gửi 28 bức thư về quê nhà; mỗi lần các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhà ra Hà Nội, Bác đều dành thời gian quý giá gặp gỡ, thăm hỏi tình hình quê hương. Trong bức thư cuối cùng ngày 21/7/1969 gửi Ban Chấp hành Đảng bộ Nghệ An, Bác căn dặn cán bộ, đảng viên cần đề cao chữ Dân, luôn lấy dân làm gốc, “tích cực thực hiện dân chủ với nhân dân hơn nữa”,… “hết sức chăm lo đời sống nhân dân”, khuyến khích nhân dân tham gia xây dựng Đảng, góp ý kiến về việc chọn người vào Đảng, tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, để mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân ngày càng thêm gắn bó máu thịt. Bác yêu cầu cán bộ, đảng viên phải không ngừng “nâng cao đạo đức cách mạng, đổi mới phong cách và phương pháp công tác, “cố gắng sát dân”… “thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất để sửa chữa khuyết điểm và phát huy ưu điểm”. Bác chỉ ra tiềm năng to lớn của đất và người Nghệ An, mong tỉnh nhà “làm ra nhiều lương thực, thực phẩm để nâng cao đời sống nhân dân và đáp ứng yêu cầu cuả Nhà nước, phải đẩy mạnh chăn nuôi và trồng các loại cây công nghiệp để có nguyên liệu cho công nghiệp và hàng hóa xuất khẩu”. Bác lưu ý “có kế hoạch trồng cây và bảo vệ rừng, nhanh chóng khôi phục và phát triển nghề đánh cá, phát triển nghề muối”…Bác nêu một mong muốn, một di huấn cho quê nhà trước lúc đi xa “Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Bác mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc”.

50 năm Bác Hồ đi xa cũng là 50 năm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ra sức đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện bản Di chúc bất hủ của Bác. Với mỗi cán bộ, đảng viên và người dân ở huyện quê Bác, tỉnh quê Bác, những bức thư, bức điện, bài báo, bài nói chuyện của Người vừa nêu ở trên là những lời di huấn xúc động, thiêng liêng, dài lâu, luôn mang tính thời sự.

Bây giờ, xã Kim Liên quê Bác đã đổi thay mạnh mẽ.  Xã Nam Thượng nhiều khó khăn được Bác Hồ khen ngợi năm nào nay đã phấn đấu vươn lên về mọi mặt. Nam Đàn đang tập trung  xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu; phấn đấu đến hết năm 2025 có 7/17 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và các xã còn lại đạt NTM nâng cao; kêu gọi đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đối với vùng quy hoạch hơn 2.500 ha gắn với chuỗi chế biến, tiêu thụ.

50 năm thực hiện Di chúc của Bác và bức thư cuối cùng Bác Hồ gửi quê hương, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển. Từ một tỉnh thiếu đói, nhiều khó khăn, Nghệ An đã đạt sản lượng lương thực mỗi năm trên một triệu tấn, sản xuất nông nghiệp đi mạnh vào sản xuất hàng hóa và ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh đã và đang thu hút các tập đoàn kinh tế lớn trong nước và quốc tế xây dựng khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp ở Bắc Vinh - Nam Cấm, Hoàng Mai - Đông Hồi, Việt Nam - Singapore (VSIP), KCN WHA Nghệ An (Thái Lan), khu nông nghiệp công nghệ cao Phủ Quỳ…Hạ tầng kinh tế-kỹ thuật được xây mới, nâng cấp: Thành phố Vinh, Thị xã Cửa Lò, Thị xã Hoàng Mai; Sân bay quốc tế Vinh; Cảng biển nước sâu quốc tế Cửa Lò -The visai; Đường cao tốc quốc tế Hà Nội - Viêng Chăn (đi qua cửa khẩu Thanh Thủy) - Nghệ An đang được triển khai xây dựng).

Để lãnh đạo và hỗ trợ Nghệ An phát triển mạnh mẽ, vững chắc, toàn diện, ngày 30-7-2013, Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Đến nay, kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá nhanh, tổng sản phẩm (GRDP) 5 năm (2014 - 2018) tăng bình quân 8,0%; quy mô kinh tế năm 2018 so với năm 2013 tăng  gấp 1,44 lần, GRDP bình quân đầu người tăng gấp 1,57. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỉ trọng nông, lâm, ngư nghiệp giảm còn 20,50%, tỉ trọng dịch vụ tăng nhanh. Chương trình xây dựng NTM đạt nhiều kết quả, toàn tỉnh có 218/431 xã đạt chuẩn NTM (50,58%). Môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện rõ nét; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 của Nghệ An dẫn đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ, xếp thứ 19 cả nước, tăng 27 bậc so với năm 2013.Thu hút đầu tư trong và ngoài nước giai đoạn 2014 - 2018 đạt 690 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 142.987 tỷ đồng. Cùng với phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội có bước chuyển rõ rệt. Giáo dục và Đào tạo luôn đứng ở tốp đầu cả nước. Y tế phát triển đồng đều và mạnh mẽ ở các tuyến. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên. Công tác giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả tích cực. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên…Nghệ An đang vươn lên trở thành trung tâm kinh tế-xã hội vùng Bắc Trung bộ, sớm trở thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc và cả nước như Bác Hồ hằng mong muốn./.

 PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam,
Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.