Skip to main content
CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 99 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21/6/1925 - 21/6/2024)

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Di sản Văn hóa

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài của Dân tộc và nhân dân Việt Nam. Người là sự kết tinh cao đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc và tinh hoa của thời đại. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, Người khẳng định: Di sản văn hóa dân tộc là vốn quý, là bệ đỡ cho nền văn hóa dân tộc.

Trong những ngày đầu thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều sắc sắc lệnh về việc bảo tồn và giàn giữ các di sản Văn hóa. Ngày 23/11/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL, theo đó ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện là bảo tồn cổ tịch trong toàn cõi Việt Nam. Sắc lệnh 65 tuy ngắn gọn nhưng súc tích, phản ánh những tư tưởng, quan điểm sâu sắc của của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc bảo tồn di sản văn hóa: Những giá trị vật chất cũng như giá trị tinh thần của các di sản văn hóa là những báu vật kết tinh tư tưởng, tài năng sáng tạo của dân tộc Việt Nam. Cho nên cần phải làm để bảo vệ và củng cố những thành quả cách mạng đã đạt được, cần thiết phải bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa. Di sản văn hóa chính là nơi thể hiện rõ nét nhất hồn cốt của một dân tộc, để mất di sản, dù chỉ là một phần, cũng chính là đánh mất bản sắc dân tộc.


Sắc lệnh số 65 do Chủ tịch Hồ Chí Minh kí ngày 23/11/1945
 
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử "lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu", trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, ngày 19/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ, nói chuyện và giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên phong (Sư đoàn 308 - Quân đội nhân dân Việt Nam) tại Đền Hùng. Ở Đền Giếng, Bác đã căn dặn các cán bộ, chiến sĩ: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Lời căn dặn của Bác cất lên từ Đền Hùng trở thành một lời hịch thiêng liêng của non sông đất nước, chỉ vẻn vẹn hai câu mà khái quát cả mấy nghìn năm lịch sử, rút ra quy luật tồn tại và phát triển muôn đời của đất nước và con người Việt Nam: "Dựng nước phải đi đôi với giữ nước".
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên phong tại Đền Hùng tỉnh Phú Thọ, ngày 19/9/1954. Người căn dặn: “Các Vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”
 
Với tình yêu quê hương, đất nước và tầm nhìn chiến lược sâu rộng, đặc biệt là sự quý trọng văn hóa Di sản văn hóa Dân tộc do biết bao thế hệ cha ông để lại, 29/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Văn miếu Quốc tử giám - một biểu tượng của nền văn hóa và trí tuệ Việt, Tại đây Người đã đọc những những tấm bia đá ghi danh những người đỗ tiến sỹ.
Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Lao động Việt Nam (diễn ra từ ngày 11 đến ngày 19/2/1951 ở huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những mục tiêu cơ bản mà cách mạng Việt Nam cần phải đạt được trong lĩnh vực văn hóa là: “Phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính dân tộc, khoa học và đại chúng”.
Dưới ánh sáng của Tư tưởng Hồ Chí Minh về Văn hóa và những định hướng cụ thể về bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa dân tộc, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc lấy ngày 23/11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam” nhằm động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Trong thời kỳ hội nhập và phát triển, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc đã không ngừng phát triển và đạt được nhiều thành tựu to lớn.  Nhất là từ sau khi Việt Nam gia nhập tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (gọi tắt Unesco), việc bảo tồn và phát huy các Di sản văn hóa của đât nước Việt Nam đã nâng lên một tầm cao mới: với 8 Di sản và thiên nhiên thế giới như: Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; Hoàng thành Thăng Long; Quần thể danh thắng Tràng An; Phố cổ Hội An; Thánh địa Mỹ Sơn; Thành nhà Hồ; Vịnh Hạ Long; Quần thể di tích Cố đô Huế; và 14 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, 7 di sản tư liệu thế giới và tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương, không chỉ minh chứng cho những giá trị vô giá của truyền thống văn hiến Việt Nam, của những giá trị toàn cầu nổi bật hàm chứa trong các di sản văn hóa và thiên nhiên Việt Nam mà còn thể hiện sự đúng đắn của việc vận dụng những tư tưởng và quan điểm của Hồ Chí Minh về Văn hóa nói chung và bảo tồn Di sản Văn hóa nói riêng.

 

Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên Thế giới năm 1994 và Di sản địa chất năm 2000.

Đặc biệt kế thừa và tiếp nối quan điểm về Di sản Văn hóa của chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 24/11 /2021, tại Hội nghị văn hoá toàn quốc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Nhiều giá trị văn hoá truyền thống và di sản văn hoá của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển. Vì vậy, để xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển các giá trị Di sản văn hoá của dân tộc chúng ta phải phát huy cao độ những giá trị văn hoá, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước.
Nghệ An là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa và giàu truyền thống cách mạng. Trải qua các chặng đường lịch sử, nhân dân Nghệ An đã tích lũy được một kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Kế thừa truyền thống văn hóa quê hương; Học tập và làm theo lời Bác, trong quá trình đổi mới, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của Nghệ An đã đạt được những kết quả nổi bật ở trên tất cả các lĩnh vực. Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể luôn được quan tâm, bảo tồn và lưu giữ có hiệu quả. Hiện nay, Nghệ An có 475 di tích được xếp hạng trên tổng số hơn 2.606 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 5 di tích Quốc gia đặc biệt (Khu Di tích Kim Liên; Di tích lịch sử Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh; Khu Di tích lưu niệm Phan Bội Châu; Đình Hoành Sơn, Lăng mộ và đền thờ Nguyễn Xí – Nghi Lộc), 144 di tích Quốc gia và 326 di tích cấp tỉnh. Di sản Văn hóa phi vật thể rất phong phú, nhiều màu sắc. Trong đó, Dân ca, Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các giá trị di sản văn nghệ dân gian, các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ được sưu tầm, phục dựng và phát huy.
 

Lễ vinh danh và đón nhận bằng UNESCO công nhận dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (31/1/2015)
 
Trải qua bao biến thiên của lịch sử nhưng những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc không chỉ là “Kết tinh truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam” mà còn là cơ sở lý luận và thực tiễn sâu sắc, là kim chỉ nam soi đường dẫn lối cho dân tộc trong trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Những quan điểm, những tư tưởng của Người sẽ còn sống mãi như những điều kỳ diệu của lòng tin, sự biết ơn đề làm nên sức mạnh tổng hợp để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam nguyện phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.