Skip to main content
ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Quá trình xây dựng tượng đài Chủ Tịch Hồ Chính Minh Tại Nghệ AN

Từ lâu, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An vẫn ước mong được dựng Tượng đài Bác Hồ ở quê hương của Người để ngày ngày, lớp lớp cháu con được ngắm nhìn Bác, để được sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương của Bác.

Từ lâu, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An vẫn ước mong được dựng Tượng đài Bác Hồ ở quê hương của Người để ngày ngày, lớp lớp cháu con được ngắm nhìn Bác, để được sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương của Bác.

Mặc dù, Nghệ an là một tỉnh nghèo, song từ nhiệm kỳ khóa XIV, Tỉnh ủy Nghệ An đã hết sức quan tâm tới nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân Nghệ An về việc xây dựng Tượng đài Bác Hồ trên quê hương Nghệ An.

Trong dịp tổng bí thư Lê Khả Phiêu về làm việc với tỉnh Nghệ An (1997), Ban thường vụ Tỉnh ủy đã đề nghị Bộ chính trị cho phép được xây dựng Tượng đài Bác Hồ tại quê hương của Người. Tổng bí thư đã đồng ý với đề nghị của Tỉnh ủy Nghệ An cho xây dựng Tượng đài Bác Hồ tại Nghệ An.

          Ngày 17/5/1997, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã họp và ra Nghị quyết số 05 – NQ/TU về chủ trương và địa điểm xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Vinh.

          Nghị quyết 05 của Ban thường vụ Tỉnh ủy nói rõ chủ trương: Xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Vinh, dùng khuôn viên Nhà hát nhân dân thành phố Vinh (cạnh giao lộ giữa đường Trường Thi, đường Trần Phú và đường Nguyễn Du) làm địa điểm xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giao ban cán sự Đảng ủy, Ban nhân dân Tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo xin ý kiến các ngành liên quan ở trung ương và chỉ đạo các cơ quan chức năng làm thủ tục để ra quyết định về mặt Nhà nước và hoàn thành công trình vào dịp 19/5/1999.

          Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã có quyết định giao trách nhiệm cho Sở văn hóa Thông tin ký hợp đồng với trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sáng tác và chọn phác thảo.

          Nghiên cứu quy chế xây dựng Tượng đài và tranh hoàng tránh của Bộ văn hóa thông tin, Sở văn hóa thông tin đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh làm thủ tục xin chủ trương của Bộ văn hóa thông tin.

          Bộ văn hóa thông tin đồng ý với chủ trương của tỉnh Nghệ An về việc xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Vinh và yêu cầu: Khi tổ chức phát động cuộc thi mẫu phác thảo Tượng đài, Ban chỉ đạo phải có quy chế, tiêu chí chính xác, khoa học làm cơ sở cho các nhóm tác giả sáng tác và Hội đồng nghệ thuật duyệt chọn. Thành viên tham gia Hội đồng nghệ thuật phải đảm bảo tỷ lệ 70% là các nhà chuyên môn có uy tín. Được Bộ văn hóa thông tin hướng dẫn cách chọn phác thảo và triển khai làm quy chế sáng tác, chọn phác thảo, Ban chỉ đạo xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tỉnh Nghệ An được thành lập do đồng chí Hồ Xuân Hùng – Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An làm trưởng ban chỉ đạo.

          Điều trọng tâm nhất của Ban chỉ đạo xây dựng Tượng đài của lãnh đạo Tỉnh, và giới chuyên môn là chất lượng nghệ thuật của Tượng đài. Làm tượng đài là một bộ môn Nghệ thuật khó, làm Tượng đài Bác Hồ lại càng khó hơn. Đã có nhiều tác phẩm điêu khắc, hội họa thể hiện hình tượng Bác. Bác là danh nhân văn hóa kiệt xuất, anh hùng giải phóng dân tộc, vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, người cha muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam, và đối với Nghệ An, Bác là người con của quê hương đã hy sinh trọn cuộc đời cho dân tộc, cho tổ quốc, và cho quê hương.

          Vấn đề đặt ra cho cả lãnh đạo Tỉnh, Ban chỉ đạo xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tác giả là thể hiện hình tượng Bác như thế nào để phù hợp với đề tài Bác Hồ với quê hương, Bác Hồ với quê hương là một đề tài rộng lớn bao hàm nhiều nội dung, nhiều lĩnh vực, song để khắc họa hình tượng Bác thì hai lần Bác về thăm quê (1957 và 1961) là thể hiện rõ nhất.

          Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Ban chỉ đạo xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nghệ An, Sở văn hóa thông tin – cơ quan thường  trực của Ban chỉ đạo xây dựng Tượng đài đã tổ chức trưng bày 54 tấm ảnh chụp trong hai lần Bác về thăm quê; Tổ chức cho các tác giả tham quan quê Bác, tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh ở các địa phương khác trong cả nước.

          Quá trình sáng tác mẫu phác thảo trải qua ba bước:

Bước 1: Sản phẩm gồm 18 mẫu Tượng của 6 nhóm tác giả, sáng tác bằng chất liệu thạch cao, cao 0,6m.

          Qua lần duyệt đầu tiên, hội đồng nghệ thuật chuyên ngành điêu khắc thấy mặc dù các tác giả có nhiều cố gắng, song các phác thảo Tượng còn mông lung, chưa rõ định hướng, ý tứ.

Bước 2: Hội đồng nghệ thuật, Ban chỉ đạo xây dựng Tượng đài tiếp tục tổ chức làm bước 2 và chốt lại chủ đề: Bác Hồ với quê hương. Song yêu cầu của tác giả thể hiện được tình cảm vui mừng của Bác khi trở về thăm quê:

“Quê hương nghĩa trọng tình cao

50 năm ấy biết bao nhiêu tình”.

          Sản phẩm của phác thảo đợt 2 rõ nét hơn, thể hiện được tình cảm của Bác khi về thăm quê, từ bước chân đi đến dáng vẻ, nét mặt, trang phục… trong số tác phẩm của nhóm tác giả thì tác phẩm của nhóm 1 (tác giả Đỗ Như Cẩn) thể hiện rõ nét hơn cả với bước chân thanh thoát, dáng đi nhanh nhẹn, vẻ mặt ấm, tươi, đúng với tình cảm của người con sau 50 năm xa cách nay được trở về thăm quê.

          Qua xem xét, Hội đồng nghệ thuật, thấy có thể tập trung vào mẫu số 1 của nhóm 1 do tác giả Đỗ Như Cẩn chủ trì.

Bước 3: Trên cơ sở mẫu phác thảo số 1, Hội động nghệ thuật yêu cầu hoàn chỉnh phác thảo đưa đi triển lãm lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.

          Từ mẫu số 1 của nhóm 1, các nhóm tác giả cũng đẩy sâu thêm thành 7 mẫu phác thảo, 7 mẫu này được nhân đôi với kích thước của mẫu Tượng bằng người thật của Bác. Số mẫu này đã được trưng bày tại hai địa điểm (Thư viện Nghệ An và Cảng nhà Rồng thành phố Hồ Chí Minh) để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.

          Qua hai tháng trưng bày tại hai địa điểm (Thư viện Nghệ An và Cảng nhà Rồng thành phố Hồ Chí Minh), ý kiến nhân dân đánh giá các mẫu phác thảo đã thể hiện được chủ đề: Bác Hồ với quê hương.

          Mẫu số 1 (trong số 7 mẫu trưng bày) được đa số phiếu đồng ý chọn thể hiện chính thức.

Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành điêu khắc đã họp và đồng ý chọn mẫu số 1, song yêu cầu nâng thêm: Râu, tóc, quần, áo… của Bác. Đặc biệt yêu cầu thể hiện chân dung phải thật giống Bác.

Song song với việc chỉ đạo hoàn thiện mẫu số 1 để đổ thạch cao, thường vụ Tỉnh ủy đồng ý cho triển khai khởi công xây dựng Tượng đài Bác Hồ vào dịp Kỷ niệm 109 năm ngày sinh của Bác (19/5/1890 – 19/5/1999) đúng như tinh thần của Nghị quyết số 05 – NQ/TU của ngày 17/5/1997 của thường vụ Tỉnh ủy.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ chính trị, Ban chỉ đạo xây dựng Tượng đài và Ban quản lý dự án xây dựng Tượng đài đã đưa hai mẫu phác thảo được đẩy sâu hơn từ mẫu số 01 để trình Bộ chính trị.

Tại phòng họp của Bộ chính trị (Số 1 đường Hùng Vương) ngày 27/5/1999) Văn phòng trung ương đã tổ chức để Bộ chính trị duyệt hai mẫu phác thảo trên cơ sở mẫu số 01 đẩy sâu hơn.

Sau cuộc họp văn phòng trung ương đã thông báo ý kiến Bộ chính trị đồng ý cho Nghệ An xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên quê hương của Người và xác định: “Đây là một công trình văn hóa có tầm cỡ quốc gia, là một tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, đặt ở vị trí trang trọng,  hài hòa, thể hiện được tấm lòng kính yêu của nhân dân tỉnh Nghệ An và nhân dân của cả nước đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc…” (thông báo số 220 – TB/TW ngày 31/5/1999).

Bộ chính trị giao cho đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Ủy viên Bộ chính trị và đồng chí Phạm Gia Khiêm - Ủy viên trung ương Đảng, phó thủ tướng chính phủ trực tiếp chỉ đạo Ban tư tưởng văn hóa trung ương, Bộ văn hóa thông tin, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An xây dựng đề án cụ thể, bao gồm cả phác thảo và chất liệu Tượng đài, địa điểm đặt Tượng, tổng khuôn viên và kinh phí xây dựng… từ khi lập dự án đến khi kết thúc công trình.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ chính trị, ngày 23/6/1999 đồng chí Nguyễn Phú Trọng – Ủy viên Bộ chính trị, đồng chí Phạm Gia Khiêm - Ủy viên trung ương Đảng, phó thủ tướng chính phủ cùng đại diện một số bộ, ngành trung ương (Bộ kế hoạch và đầu tư, Bộ tài chính, Bộ văn hóa thông tin, Ban tư tưởng văn hóa trung ương) đã vào Nghệ an trực tiếp khảo sát các địa điểm dự kiến xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh để trình Bộ chính trị quyết định. Đoàn đã tiến hành khảo sát 6 địa điểm (gồm: Nhà hát nhân dân thành phố Vinh, đầu đường 3/2, Khu lâm viên Núi quyết, nhà thờ Cầu rầm cũ, và hai địa điểm thuộc Công viên trung tâm thành phố Vinh).

Sau khi trực tiếp đi xem xét các địa điểm dự kiến xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghe các đồng chí Lãnh đạo tỉnh báo cáo công việc chuẩn bị và triển khai đề án xây dựng Tượng đài, ý kiến đề xuất của các bộ, ngành trung ương, đồng chí Nguyễn phú Trọng đã đánh giá: Nghệ An đã triển khai các bước chuẩn bị cho công trình xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách công phu, nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao. Đề nghị Nghệ An tiếp tục thực hiện công trình theo ý kiến chỉ đạo của Bộ chính trị: Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trên quê hương Nghệ An phải là công trình có tầm cỡ quốc gia, có giá trị và tưởng nghệ thuật cao, thể hiện cho được tầm vóc của Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại muôn vàn kính yêu của toàn Đảng, toàn dân, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, trong muối quan hệ gắn bó mật thiết với quê hương Nghệ An. Công trình phải đảm bảo yêu cầu kiến trúc văn hóa mang tính dân tộc và hiện đại. Cho đến nay, đây sẽ là Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh có tầm cỡ và kính thước lớn nhất nước ta. Nghệ An có vinh dự to lớn, có trách nhiệm nặng nề thực hiện công trình này. Đồng thời, cho trưng bày lấy thêm ý kiến nhân dân ở Hà nội. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng thống nhất cho làm thuyết trình hai địa điểm để Bộ chính trị (Nhà hát nhân dân thành phố Vinh và Công viên trung tâm – trước Sở kế hoạch và đầu tư). Đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở Ban chỉ đạo, Ban dự án, Hội đồng nghệ thuật cần chú ý chất liệu Tượng đài phải đảm bảo sự bền vững, màu sắc hài hòa, yêu cầu mỹ thuật và kỹ thuật Tượng đài, tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài đồng thời chú ý tâm lý Việt Nam. Cần kiện toàn lại Ban chỉ đạo xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cơ sở ban chỉ đạo đã có, bổ sung thêm đại diện Bộ văn hóa thông tin và Ban tư tưởng văn hóa trung ương.

Thực hiện ý kiến kết luận của đồng chí Nguyễn Phú Trọng , Ban chỉ đạo xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tỉnh Nghệ An đã tiến hành trưng bày lấy ý kiến của nhân dân (trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh – Hà Nội). Ban chỉ đạo và các tác giả đã được nghe nhiều ý kiến đóng góp của cán bộ và nhân dân thủ đô về phác thảo mẫu Tượng đài Bác Hồ, đặc biệt là ý kiến của các bậc lão thành cách mạng, có những người may mắn được sống, làm việc và tiếp xúc với Bác Hồ; Ý kiến những nhà chuyên môn, những người tham gia xây dựng các công trình Tượng đài. Ban chỉ đạo đã tổ chức các buổi tọa đàm khoa học với các nhà điêu khắc và chuyên môn ở Hà Nội. Kết quả tọa đàm đều thống nhất chọn mẫu phác thảo mẫu số 01.

Trong hai mẫu được đẩy lên từ mẫu số 01, thì mẫu của tác giả Nguyễn Hoàng Ánh hợp với chất liệu đồng, mẫu của tác giả Đỗ Như Cẩn hợp với chất liệu đá đặt ở ngoài trời. Tượng đài Bác Hồ đặt ở Nghệ An, Bộ chính trị đã quyết định làm bằng chất liệu đá Granits Bình Định.

Quá trình sáng tác và chọn mẫu phác thảo đã hoàn tất. Để triển khai công trình kịp tiến độ, Ban chỉ đạo xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xin phép đồng chí Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Phạm Gia Khiêm, được phóng lớn mẫu tượng bằng chất liệu đất sét tỷ lệ 1*1 để hoàn thiện phác thảo và đã được đồng ý.

Song song với quá trình phóng lớn mẫu Tượng đài Ban chỉ đạo đã triển khai làm thuyết trình hai địa điểm để trình Bộ chính trị chọn một địa điểm xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nghệ An.

Tại Thư viện tỉnh Nghệ An, một lần nữa, cán bộ và nhân dân tỉnh nhà lại được tham gia đóng góp ý kiến chọn địa điểm để xây dựng Tượng đài Bác Hồ. Đại đa số các ý kiến đều thống nhất chọn Công viên trung tâm (đối diện Sở kế hoạch và đầu tư) để làm địa điểm xây dựng Tượng đài Bác Hồ, với lý do: Đây là địa điểm rộng, có tầm nhìn phóng khoáng, là trung tâm thành phố, gần các cơ quan đầu não của Tỉnh.

Trên cơ sở ý kiến đóng góp của nhân dân, các nhà khoa học, các nhà chuyên môn, Ban chỉ đạo đã hoàn chỉnh thuyết trình địa điểm xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và mô hình Quảng trường trình Bộ chính trị quyết định. Thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, đồng chí Nguyễn Như Vỹ - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Tỉnh cùng Ban chỉ đạo và Ban quản lý dự án xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo thuyết trình với Bộ chính trị về địa điểm xây dựng Tượng đài Bác Hồ và mô hình Quảng trường.

Đúng như nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân, Bộ chính trị chọn Công viên trung tâm thành phố Vinh làm địa điểm xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nghệ An. Cho phép xây dựng Quảng trường và đặt tên là “Quảng trường Hồ Chí Minh”. Bộ chính trị giao cho đồng chí Lê Xuân Tùng - Ủy viên Bộ chính trị và đồng chí Phạm Gia Khiêm - Ủy viên trung ương Đảng, Phó thủ tướng chính phủ thay mặt Bộ chính trị theo dõi, chỉ đạo, sát sao tỉnh Nghệ An xây dựng công trình đến khi hoàn thành. Các đồng chí Phạm Thế Duyệt - Ủy viên thường vụ, thường trực Bộ chính trị, Nguyễn Đức Bình - Ủy viên Bộ chính trị, Nguyễn Mạnh Cầm - Ủy viên Bộ chính trị, Lê Xuân Tùng - Ủy viên Bộ chính trị, và đồng chí Phạm Gia Khiêm - Ủy viên trung ương Đảng, phó thủ tướng chính phủ được Bộ chính trị giao trực tiếp duyệt mẫu Tượng Bác và quyết định việc khởi công công trình.

Đầu năm 2000, mẫu phác thảo phóng lớn bằng chất liệu đất sét theo tỷ lệ 1*1 sắp hoàn thành, Hội đồng nghệ thuật đã tổ chức duyệt nhiều lần. Cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 2000, trong dịp triển khai nghị quyết 54 tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ chính trị đã kết hợp duyệt phóng lớn Tượng đài. Tham gia duyệt Tượng đài có 7 đồng chí Ủy viên Bộ chính trị: Đồng chí Phạm Thế Duyệt - Ủy viên thường vụ thường trực Bộ chính trị cùng các đồng chí Ủy viên Bộ chính trị: Nguyễn Văn An, Nguyễn Thị Xuân Mỹ, Lê Xuân Tùng, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Thanh Ngân. Đại diện Lãnh đạo Ban tư tưởng văn hóa trung ương, Văn phòng trung ương là các ủy viên trung ương Đảng, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, Ban chỉ đạo xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành điêu khắc Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tỉnh Nghệ An cùng dự buổi duyệt. Đồng chí Phạm Thế Duyệt chủ trì buổi duyệt kết luận: Về tổng thể, thống nhất với Tượng đài phác thảo tấm lớn cao 12m, chân đế 5m. Tuy nhiên cần lưu ý tiếp tục sửa chữa để thể hiện giống chân dung Bác hơn, dáng thanh hơn, thể hiện được hình tượng Bác Hồ vừa vui mừng, vừa bùi ngùi xúc động khi xa quê nhiều năm mới trở về thăm quê hương. Bộ chính trị đồng ý tổ chức lễ khởi công xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ vào ngày 19/5/2000 – Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Người.

Ngày 19/5/2000, cùng với những hoạt động chào mừng kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Bác (19/5/1890 – 19/5/2000), trên quê hương Nghệ An lại thêm một sự kiện văn hóa sâu sắc: Khởi công xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ trên thành phố đỏ anh hùng. Từ đây, cán bộ và nhân dân Nghệ An lại thêm một niềm vui, một sự đợi chờ, hy vọng sớm được ngắm nhìn Bác mỗi sớm, mỗi chiều. Cũng từ đây, công trình xây dựng Tượng đài Bác Hồ và Quảng trường Hồ Chí Minh kết thúc giai đoạn 1: Giai đoạn chọn phác thảo, bước sang giai đoạn 2: Thi công công trình trong không khí khẩn trương, sôi nổi song cũng đầy khó khăn vất vả.

Như vậy, giai đoạn chọn phác thảo, chuẩn bị phóng lớn phải mất hơn 3 năm và do 2 cấp quản lý, giai đoạn đầu do tỉnh Nghệ An chỉ đạo, giai đoạn sau do thường trực Bộ chính trị chỉ đạo và do tỉnh Nghệ An trực tiếp thực hiện. Ban chỉ đạo mới được kiện toàn trên cơ sở Ban chỉ đạo cũ, Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành điêu khắc Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tỉnh Nghệ An cũng được kiện toàn.

            Giai đoạn 2: Khởi công xây dựng công trình Tượng đài Bác Hồ và Quảng trường Hồ Chí Minh.

          Giai đoạn này được thực hiện trong 3 năm (Từ 19 tháng 5 năm 2000 đến 19 tháng 5 năm 2003). Quá trình khởi công xây dựng công trình được chia làm 02 dự án: Dự án xây dựng Tượng đài Bác Hồ và dự án xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh.

- Dự án xây dựng Tượng đài Bác Hồ được triển khai ngay sau lễ khởi công bằng các công việc như: Đổ thạch cao, chuyển chất liệu đá.

Trường Đại học Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị tư vấn sáng tác và chọn phác thảo Tượng đài Bác Hồ nay lại được chỉ định thi công xây dựng Tượng đài.

Có 02 hạng mục của dự án Tượng đài là:

* Hạng mục xây dựng móng và bệ tượng

* Hạng mục xây lấp Tượng đài.

Xây dựng móng và bệ tượng là một việc hết sức phức tạp. Trong quá trình đóng cọc móng cũng gặp không ít khó khăn. Ban quản lý dự án phải tổ chức nhiều cuộc tọa đàm để tháo gỡ khó khăn, triển khai thi công đảm bảo chất lượng tiến độ. Phần việc này do Xí nghiệp 101 của Công ty Xây dựng số 1 đảm nhiệm.

Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh triển khai đục đá, xây lắp tượng có nhiều thuận lợi hơn.

Đến năm 2001, dự án Tượng đài đã được hoàn tất, Ban chỉ đạo tập trung xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh.

Có thể nói, cho đến thời điểm này, so với cả nước, chưa có Quảng trường nào lớn như Quảng trường Hồ Chí Minh tại Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Toàn bộ khuôn viên Quảng trường rộng gần 12 ha. Quá trình thi công có nhiều hạng mục phức tạp như đắp đất mô phỏng núi Chung để tạo thế đứng vững chắc cho Tượng đài.

Quảng trường Hồ Chí Minh không chỉ có hạng mục đắp đất mô phỏng núi Chung là phức tạp, mà còn nhiều hạng mục khác cũng phức tạp không kém: Lát sân Hành lễ, trồng cỏ sân hành lễ, đài phun nước nhạc màu và nước màu, điện chiếu sáng …

Công ty Tư vấn thiết kế Nghệ an đã phải tổ chức một đoàn đi tham quan ở Trung Quốc về mới có thể đảm nhận được nhiệm vụ thiết kế chỉnh sửa Quảng trường Hồ Chí Minh. Tuy vậy, trong quá trình thiết kế và thi công vẫn vấp phải không ít khó khăn, đôi lúc phải dừng lại để chỉnh sửa ngay trên hiện trường.

Trong quá trình xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh cũng có ý kiến cho rằng: Không nên đắp núi Chung mô phỏng, không nên quay hướng Tượng về phía Đông Bắc mà quay về hướng Nam – Đông Nam (hướng đường Trường Thi). Ban chỉ đạo – Ban quản lý dự án đã phải tổ chức nhiều cuộc hội thảo mới giải quyết được hướng Tượng và đắp mô hình núi Chung như hiện nay. Đặc biệt khi đưa cây của 61 tỉnh thành trong cả nước về trồng ở hai đầu núi (phía trước) trở thành vườn thực vật quốc gia. Hạng mục trồng cây và trồng cỏ trên núi cơ bản đã hoàn thành, dư luận nhân dân mới cho rằng đắp mô phỏng núi Chung là hợp lý. Không những tạo thế đứng vững chắc cho Tượng đài mà còn tạo cảnh quan môi trường đô thị, làm cho địa chỉ văn hóa của thành phố trở thành điểm hẹn của mọi lứa tuổi, mọi công dân thành phố Vinh và của du khách trong nước và Quốc tế khi về với xứ Nghệ.

Hạng mục Sân bán nguyệt và đài phun nước nghệ thuật cũng là một điểm dạo chơi lý tưởng. Có lẽ ở Việt Nam, Quảng trường Hồ Chí Minh là điểm đầu tiên lắp đài phun nước nghệ thuật, chắc chắn sẽ hấp dẫn du khách gần xa, nhất là vào dịp có lễ hội quan trọng.

Kỷ niệm 113 năm ngày sinh của Bác (19/5/1890 – 19/5/2003), trên quê hương Nghệ An sẽ diễn ra những sự kiện văn hóa đặc biệt: Khánh thành Tượng đài Bác Hồ và Quảng trường Hồ Chí Minh gắn với Lễ hội Làng Sen toàn quốc 2003 với chủ đề: “Liên hoan văn hóa nghệ thuật về hình tượng Bác Hồ”. Đó là điều mong đợi bấy lâu nay của người dân xứ Nghệ - Bác Hồ không chỉ sống trong tâm tưởng của nhân dân mà tượng đài Bác được xây dựng trên quê hương của Người. Ngày ngày, lớp lớp cháu con sẽ về đây sum vầy, vui chơi ca hát bên Bác, để được sống trong hạnh phúc hòa bình mà Bác đã hy sinh trọn cuộc đời mình để giành lại cho nhân dân, cho đất nước và cho quê hương. Những hoạt động văn hóa nghệ thuật – thể thao của các dân tộc Việt Nam trong dịp kỷ niệm 113 năm ngày sinh của Bác trên quê hương Người, bên tượng đài Bác như những đóa hoa thơm kính dâng lên Người trong những ngày tháng Năm lịch sử.

                                               

     “Trích từ kỷ yếu xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài   Bác Hồ ở Nghệ An - SỞ VĂN HÓA THÔNG TIN NGHỆ AN”

                                                                    Xuất bản tháng 5 năm 2003.